Sáng sớm, Nguyễn Lý Hải Vinh, 32 tuổi, hộ khẩu thường trú quận 5 (TP Hồ Chí Minh) chạy ra trụ sở UBND Thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Đêm trước, anh không thể chợp mắt khi được nhà báo Hữu Nghĩa (Phóng viên Báo Nhân Dân, thường trú tại Đồng Tháp) “kết nối” với một cán bộ Tuyên giáo huyện.
Thất nghiệp trong lúc vợ mang thai, để mưu sinh, tháng 2/2021, Vinh về quê trồng kiểng. Dịch tràn đến, thực hiện Chỉ thị 15, rồi 16, Vinh hết vốn mà đường trở về thành phố cũng không còn.
Nếu như lẽ thường, thai phụ Huỳnh Kim Yên sẽ bình an vượt cạn, song ngày 13/8, xét nghiệm PCR khẳng định cả nhà chị dương tính với SARS-CoV-2 nên ngày 15/8, chị sinh mổ trong tâm trạng hoảng loạn. Bé chào đời, cũng là khi Yên phải điều trị Covid-19.
Chỉ vừa đúng giờ làm việc buổi sáng, 8 giờ, Vinh lại vác ba lô chạy một mạch sang Trung tâm Y tế huyện. Qua điện thoại, nhà báo Hữu Nghĩa nghe giọng Vinh run rẩy: “Cứu em đi. Con em ở Sài Gòn hôm nay buộc xuất viện rồi, bệnh viện quá tải nên không thể để bé ở lại được nữa. Mà cả nhà vợ bị F0, nhà em thì bị F1, chỉ còn mình em”.
Lúc này, người chồng mới hốt hoảng nhận ra, mình làm đơn thiếu chữ “cùng”. Mà nhân viên y tế thì kỹ lưỡng, chỉ sợ Vinh “rơi” lại trên chặng về, nên yêu cầu làm lại xác nhận “đi cùng xe tải chở hàng hóa thiết yếu”.
9 giờ, chiếc xe đầu tiên rời đi vì không thể chờ, cán bộ chốt phòng dịch xót xa cho Vinh mất đi cơ hội. Không nản, Vinh xốc ba lô, chạy ngược về trụ UBND thị trấn. Quãng đường chỉ vài trăm mét mà xa quá đỗi. Anh vừa thở vừa chạy, vừa điện thoại cầu cứu, trong khi bệnh viện nơi con anh ra đời thì yêu cầu rất rõ “Cần xuất viện trong ngày”. Tin nhắn của người vợ F0 hối thúc: “Anh ơi, ráng về kịp với con”.
Thêm nửa giờ trôi qua, xong giấy tờ, Vinh lại hộc tốc chạy bộ lại Trung tâm Y tế Lai Vung để test. Vét túi thì may quá, chỉ trả tiền test 131 nghìn đồng, anh vẫn dư 300 nghìn, dằn túi. Xót xa, bác sĩ Lê Văn Ửng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lai Vung, yêu cầu trả thật nhanh kết quả cho anh.
Cầm tờ kết quả “âm tính” trong tay, Vinh lại… chạy bộ. Trên đường, chỉ Vinh và các chốt gác. Ai cũng hỏi, kiểm tra giấy, rồi cho Vinh đi. Mồ hôi đổ ra vì lo lắng, vì mệt làm ướt cả áo khoác. Đã thấy chốt, Vinh tăng tốc hơn nữa, mục tiêu ngày càng gần thì hình bóng chiếc xe càng mờ xa, họ đã không chờ anh. Trung tá Thắng vừa thương vừa tiếc, nói: “Mùa này ai cũng ngại chở người lạ”. Vinh xin: “Cho em ngồi đây, biết đâu…”.
Có đến ba lần Trung tá Thắng tìm được xe thì ba lần tài xế đều từ chối. Anh cố gắng thuyết phục đến hơn 12 giờ, xe tải biển kiểm soát 68C-081.93 có lộ trình từ Kiên Giang dừng lại. Thấy sự sốt ruột hiện rõ trên khuôn mặt Vinh, tài xế Đoàn Hồng Vàng đồng ý. Chỉ chờ có thế, Vinh vội leo lên xe, rơm rớm nước mắt. Trung tá Thắng vui mừng: “Anh chúc em thượng lộ bình an, sớm đón vợ con về”.
Đường vắng, tài xế Vàng chạy bon bon. Thâm tâm anh cũng muốn đưa vị khách khốn khổ về thật sớm. Ấy vậy nên cả hai người đồng hành mà không ai nói câu gì. Anh Vàng mong qua các chốt trên đường thật gọn và nhanh, còn Vinh thì đang ôm đau đáu nỗi niềm trăm mối.
Hai vợ chồng anh cưới nhau cuối năm 2020 và đây là đứa con đầu lòng của họ. Vinh thì không tiền, không một phút kinh nghiệm chăm sóc trẻ con. Thêm nữa, cha mẹ vợ, vợ đang là F0, còn cha mẹ ruột anh đang tự cách ly, nếu Vinh không kịp về, bé sơ sinh có thể phải tạm ở làng SOS nào đó.
Nhà báo Hữu Nghĩa liên tục điện thoại động viên Vinh. Còn tôi thì tìm hiểu “gia thế” anh qua Chủ tịch UBND phường 7, quận 5, (TP Hồ Chí Minh) Trần Sỹ Thái. Qua điện thoại, Thái xác nhận ông Nguyễn Hải Đường và bà Lưu Ngọc Phương là ba mẹ Vinh, ngụ địa phương.
Tôi lập tức điện thoại cho các tình nguyện viên để xin xe, tất cả anh em đều sẵn sàng. Theo lịch trình, đến khoảng 15 giờ 30 phút thì xe sẽ cho Vinh xuống tại ranh huyện Bình Chánh giáp quận Bình Tân do xe tải không vào được nội ô. Tuy nhiên, khi đúng giờ G, chúng tôi liên lạc thì đầu dây bên kia im lặng, anh đã hết pin điện thoại và giờ làm việc buổi chiều gần chấm dứt.
Do không đón được bất kỳ xe ôm nào, Vinh chạy bộ. Anh chạy trong cơn mưa chiều, từ cuối đường cao tốc giáp quốc lộ 1 A, kéo dài suốt 5 km đến Vòng xoay An Lạc. Mưa xối xả hòa nước mắt của người đàn ông đang trong hoàn cảnh oái oăm với thần kinh đang căng hết mức khi nghĩ đến con.
Khi chúng tôi bắt liên lạc được với anh, thì Vinh nói không nổi, giọng đứt quãng. Được người đàn ông tốt bụng tên Trung, kể: “Tôi thấy nó vừa chạy vừa thở, nước mắt nước mũi tèm lem nên gặng hỏi, rồi chở nó về nhà lấy hộ khẩu… đi đón con. Trên đường đi, nó sạc pin và điện cho mấy anh đó”.
Các anh em thiện lành của tôi ở Câu lạc bộ Chuyến xe Nghĩa tình (Hội Chữ Thập đỏ TP Hồ Chí Minh) cũng có gom góp cho cháu bé một ít viện phí và sữa. Cả nhóm tình nguyện viên lố nhố ngoài cổng bệnh viện, thấy Vinh ôm con ra, mà mừng như… nhà mình có thêm cu tí!
Đêm nay, Vinh đón bé Nguyễn Huỳnh Thiên Lạc về căn phòng trọ để tiện cách ly với các F trong gia đình. Vinh nói Nguyễn, Huỳnh là họ của hai vợ chồng ghép lại; còn Thiên Lạc tức là “niềm vui trời cho”. Anh muốn con ghi nhớ sự kiện này.
Quả thật, từ chỗ rất bế tắc, dù chưa hề quen biết, nhưng khi Vinh lên mạng kêu cứu, các phóng viên, các tình nguyện viên, các cán bộ, chiến sĩ huyện Lai Vung đã làm nhiều việc để giúp đỡ, mang niềm vui cho anh. Niềm vui ấy không phải là của “trời cho” đâu Vinh à, đó là nghĩa cử của người với người, trong thời điểm đầy khốn khó này…